Thái sư Trần Thủ Độ, người được lịch sử đánh giá vừa là một anh hùng vừa làm một gian hùng. Chúng tôi đã trình bày về phần “Gian hùng” ở Phần 1. Hôm nay, NATuts sẽ nói cho các bạn về công lao của ông.
Theo Trần Trọng Kim nhận xét: “Thủ Độ là một người rất gian ác đối với nhà Lí, nhưng lại là một người đại công thần của nhà Trần. Một tay cáng đáng biết bao nhiêu trọng sự, giúp Thái Tông bình phục được giặc giã trong nước và chỉnh đốn lại mọi việc, làm cho nước Nam ta bấy giờ cường thịnh, ngày sau có thể chống cự với Mông Cổ, khỏi phải làm nô lệ những kẻ hùng cường.”
1. Dẹp quân Mông Nguyên xâm lược lần thứ nhất:
Khi quân Nguyên xâm lược nước ta lần thứ nhất, Thủ Độ là người chủ trương đánh giặc chứ không hàng, muốn giữ tự do cho nhân dân.
Bấy giờ, khi quân Mông cổ tràn vào , từ Vân Nam đem quân sang địa phận An Nam, đi đường sông Thao Giang, Hưng Hóa, xuống đánh Thăng Long.
Khi Mông Cổ tràn vào Thăng Long, Thái Tông phải bỏ kinh đô, chạy về đóng ở sông Thiên Mạc (Hưng Yên). Bấy giờ thế nguy, Thái Tông ngự thuyền đến hỏi Thái úy là Trần Nhật Hiệu. Nhật Hiệu không nói gì cả, cầm sào viết xuống nước hai chữ “Nhập Tống”. Thái Tông đi đến hỏi Thủ Độ. Thủ Độ nói rằng: “Đầu tôi chưa rơi xuống đất, thì xin Bệ hạ đừng lo”.
Quả thật, năm ấy Mông Cổ không quen thủy thổ, toàn quân mệt mỏi. Thái Tông tiến lên đánh ở Đông Bộ Đầu, Mông Cổ thua chạy về nước.
2. Dẹp yên giặc giã phản loạn:
Nước An Nam từ khi Cao Tông nhà Lí thất chính, trong nước chỗ nào cũng có giặc giã. Mạn Quốc Oai có giặc Mường làm loạn, Hồng Châu có Đoàn Thượng chiếm đất Đường Hào, Bắc Giang lại có Nguyễn Nộn xưng vương ở làng Phù Đổng. Một nước là chia làm mấy phần.
Khi ấy, Thủ Độ đã sắp xếp xong việc cướp ngôi nhà Lí nên đem quân đi đánh dẹp. Đầu tiên đánh giặc Mường ở Quốc Oai, sau lại đánh Đoàn Thượng và Nguyễn Nộn. Khi ấy, thế Thượng và Nộn mạnh lắm. Thủ Độ thấy đánh không lại bèn chia đất cho làm vương. Rồi trở về lại đem các phi tần của Lí Huệ Tông cho các tù trưởng Mường.
Năm 1228, Nguyễn Nộn đem quân đánh Đoàn Thượng chiếm Đường Hào, thanh thế lừng lẫy. Nhưng chỉ được mấy tháng, Nguyễn Nộn bệnh mà qua đời. Từ ấy, giang sơn mới thu về một mối.
3. Về đức độ của Trần Thủ Độ: ( trích từ Wikipedia)
Thủ Độ tuy không có học vấn, nhưng tài lược hơn người, làm quan triều Lý được mọi người suy tôn. Thái Tông lấy được thiên hạ đều nhờ mưu sức của ông cả. Vì thế ông được nhà nước dựa cậy, quyền át cả vua. Bấy giờ có kẻ đàn hặc ông, vào gặp Thái Tông khóc mà nói rằng: “Bệ hạ còn thơ ấu mà Thủ Độ quyền át cả vua, xã tắc rồi sẽ ra sao?”. Thái Tông lập tức lệnh xe ngự đến dinh Thủ Độ, bắt cả người đàn hặc ấy đem theo và nói hết những lời người ấy nói cho Thủ Độ biết. Thủ Độ trả lời: “Đúng như những lời hắn nói”. Rồi lấy ngay tiền lụa thưởng cho người ấy.
Thái Tông có lần muốn cho người anh của Thủ Độ là An Quốc làm tể tướng. Thủ Độ tâu: “An Quốc là anh thần, nếu cho giỏi hơn thần thì thần xin trí sĩ, nếu cho thần giỏi hơn An Quốc thì không thể cử. Nếu anh em đều làm tể tướng cả thì việc triều đình sẽ ra làm sao?”. Vua bèn thôi
Tháng Giêng năm 1264, Thái sư Thủ Độ qua đời, thọ 71 tuổi. Được Thái Tông phong là Thượng phụ Thái sư Trung Vũ đại vương.