Rừng Na-uy là một trong những tác phẩm được đề cử giải Nobel Văn học 2020. Tác giả là Hakuri Murakami, một thần tượng văn hóa đại chúng ở Nhật. Ông có sự nghiệp văn học phong phú và là nhà văn được đón đọc nhiều nhất của Nhật Bản, chỉ sau Kenzaburo Oe.
Về Hakuri Murakami, Scott Reyburn đã viết:
Haruki Murakami là một trong những giọng nói hấp dẫn nhất trên diễn đàn quốc tế (…) Murakami, cách này hay cách khác, chính là hình vóc của văn chương thế kỉ 21. Sử dụng lối mô tả của tiểu thuyết đen kiểu Hollywood, ông đã khám phá, qua lối siêu thực, những âu lo của thời đại chúng ta trong lúc vẫn giữ lại sự kinh ngạc cay đắng trước cái thực tại của tiêu-thụ-đại-chúng. Văn ông không thuộc trường phái nào, nhưng lại có chất gây nghiện của loại văn chương tuyệt hảo nhất.
Quả thật, giọng văn của Murakami có một chất dẫn cảm xúc rất đặc trưng. Văn cảnh nào, ông vẫn giữ lại chút gì cho từng nhân vật, rất dè xẻn. Từ đó dẫn đến từng suy nghĩ trong đầu độc giả, thứ suy nghĩ tự lực và thú vị.
1. Cốt truyện của Rừng Na-uy:
Rừng Na-uy là quyển sách viết về thanh xuân của nhân vật Toru Watanabe xoay quanh từng tuyến nhân vật đặc sắc khác như Naoko, Reiko, Nagasawa,… Công bằng mà nói, Rừng Na-uy không có nhân vật chính. Từng người ở đây tương hỗ với nhau và tạo thành một mạch truyện thật liền mạch và thanh thoát.
Dòng thời gian bắt đầu từ thời cấp ba của Toru Watanabe rồi đến những năm tháng đại học. Tại đây, mối tình “tay ba” của cậu, Naoko và Kizuki nảy mầm. Tình yêu của cậu đã giúp một người “méo mó” chấp nhận được chính bản thân mình. Đồng thời, giải phóng họ khỏi sự mặc cảm từ sâu thẳm thời gian và tận gốc rễ của nhân cách.
Cạnh mạch truyện chính, ta còn được viếng thăm cuộc đời của một số nhân vật như Reiko, Midori, Quốc-xã,… Phần vì không phải tuyến nhân vật chủ đạo, phần vì lối viết dè xẻn của Murakami, cuộc đời của họ tuy được phơi bày trước từng con chữ, song, lại như ẩn sâu bên trong chút dư vị mặn đắng. Điều đó buộc ta không khỏi dừng óc suy nghĩ đôi chút cho cảm nhận lắng đọng càng lâu.
2. Về nội dung ẩn:
Rừng Na-uy là một quyển sách về sự tương đối trong khái niệm “thường nhật”
Murakami đã cho ta thấy tính thường nhật của những sự kiện không thể dự đoán.
Tiêu biểu, khi Kizuki tự tử, cái radio trên xe anh vẫn kêu, cái hóa đơn mua xăng được kẹp dưới cái cần gạt nước và anh không để lại một dòng tuyệt mệnh nào. Như thể, cái chết bất định kia chỉ một chuyến viếng thăm của Tử Thần. Thường lệ, người ta thường giữ lại hóa đơn để đối chứng sau này. Ở đây, Kizuki lại sắp tự tử nhưng anh ta vẫn giữ lại hóa đơn và để nó dưới cần gạt cho dễ thấy.
Ông đã chứng minh cái chết không phải là cái độc lập với sự sống. Nó không là một sự kiện vĩ đại mà ai cũng cần biết. Cái chết chẳng qua là một phần của cái sống. Khi chúng ta sinh ra, ta đã sẵn sàng chết, dù bất kì lí do gì.
Rừng Na-uy lại là một quyển sách về sự tương đối trong khái niệm “bình thường”
Tôi ấn tượng với nơi điều trị về tâm lý của Naoko được Murakami ưu ái mà diễn đạt nhiều ý nghĩa.
Theo Reiko đã nói, đây là một nơi điều trị về tâm lý dành cho những người “méo mó”. Nói thẳng, là một bệnh viện tâm thần kiểu mới, không rào kẽm gai, không cửa sổ khóa song sắt, không bảo vệ nghiêm ngặt. Thật lạ khi nó diễn ra trên cơ chế hoàn toàn tự nguyện và hỗ trợ lẫn nhau. Nơi đây không “chữa trị”, nó thiên về việc “hồi phục” nhiều hơn.
Đơn giản, tôi hiểu đây là nơi tập trung những người nghĩ bản thân mình “bất thường” lại với nhau. Họ làm quen với việc “bất thường” trong cuộc sống và giúp đỡ lẫn nhau. Rồi nhận ra rằng, bản thân mình không phải là người “bất thường” duy nhất. Và khi họ hiểu được câu nói: “Ai cũng bất thường” là cách nói khác của “Ai cũng bình thường”, họ khỏi bệnh.
Qua đây, ta nhận ra sự “bất thường” là điều kiện tiên quyết của cái “bình thường”.
Từng khía cạnh của sự “bình thường” theo Murakami:
Đầu tiên, tác giả đã định nghĩa về sự bình thường. Bình thường là những điều thường nhật diễn ra trong cuộc sống của chúng ta. Đó là những điều được dự đoán và không được dự đoán. Như việc ta đến trường mỗi ngày, ăn ngày ba bữa, đó là những việc thiết yếu. Đồng thời, những tai nạn như hỏa hoạn, bệnh tật, thậm chí cái chết, vẫn là sự thường nhật, dù không theo một quy luật nào và không ai mong nó xảy ra. Cái chết của Kizuki, vụ hỏa hoạn gần nhà của Midori hay việc cô nhập viện, đều là “thường nhật”.
Tiếp theo, ông rất chu đáo khi cho ta thấy điều phi-bình-thường. Đó là cuộc sống ở khu điều trị tâm lý của Naoko. Xin trích dẫn đoạn phi-bình-thường nhất trong Rừng Na-uy:
Ngoài chuyện tuổi tác khác nhau của những người ở đây, quang cảnh nhà ăn cũng không khác là mấy so với khu học xá của tôi. Có cái khác là ở đây mọi người trò chuyện bằng một giọng đều đều. Không có hò hét mà cũng không có thì thầm, không ai cười, không ai khóc, không ai làm bộ tịch và kêu gào, chỉ có những đối thoại yên ắng, và tất cả đều bằng một giọng đều đều.
Rõ ràng, sự bình thường đã trở thành điều đối lập với chính bản thân nó khi trở nên quá mức là nó.
Tất nhiên, ông cũng không quên nêu cho ta những việc bình thường. Mà tiêu biểu là Naoko, ai mà chẳng nhận ra bản thân “bất thường” và điều cô cảm thấy mình khác người là rất giống với mọi người. Đó là một sự bình thường cơ bản nhất của nhân loại.
Tạm kết:
Rừng Na-uy không chỉ là một tiểu thuyết lãng mạn về làn gió tình giữa thanh xuân mơn mởn. Ẩn sâu trong từng con chữ của Haruki Murakami là sự tương đối về nhiều mặt, triết lý sâu xa nhưng gần gụi mà gần như không ai nhận thấy. Những điều đó lại được “thêu hoa lên gấm” bằng lối hành văn độc đáo của tác giả. Nó không quá thiên về “chủ nghĩa tối giản”, đó là một dòng sông mang đầy phù sa nhưng hiếm ai thấy được sự màu mỡ ẩn dưới làn nước biếc.
Phù Trần
NATuts