Văn học nói riêng và các hoạt động nghệ thuật nói chung, là các tác phẩm được các nghệ sĩ thực hiện. Nhằm thỏa mãn nhu cầu về tinh thần của con người.
Nhưng tại sao? Những tác phẩm nghệ thuật lại được say đắm bởi biết bao người? Nghệ thuật là như thế nào? NATuts sẽ giải đáp cho các bạn.
Để hiểu rõ hơn, hay đi vào một truyện ngắn:
Một quả thông trong rừng
•Vào rừng
Sau những ngày cực nhọc mưu sinh, bươn trải, tôi vào rừng. Tìm chút khoảng lặng, chút không gian để thoát khỏi lớp vỏ xã hội. Hơn hết, để tận hưởng không khí tự do của rừng thông.
Đi sâu, không khí càng lặng, không còn chút gợn của văn minh, cũng mát mẻ hơn vì càng đi thì con dốc càng cao. Thi thoảng, vài con sóc chuyền cành làm động mấy quả thông già, như người nghệ sĩ đánh chuông, linh hoạt và khéo léo. Ngước lên, thấy từng giọt nắng đang rỏ dài qua khe hở của trần nhà lá thông, thẫm xanh và dày đặc.
•Trảng cỏ của rừng thông
Khoảnh rừng trống, như một bể bơi toàn nắng, sưởi ấm từng tấc da tấc thịt của mẹ thiên nhiên. Rừng thông, trảng cỏ cũng xanh hẳn những khoảnh khác. Ví như trần nhà bằng ngọc lục bảo trong một phòng sảnh nào của một lăng mộ chưa được khai quật.Những cây thông già như mấy cây cột chổng ngược, chống cho mặt đất khỏi sập xuống bầu trời. Ai nhìn thấy bể nắng, chỉ muốn nhảy tõm vào mà ngụp, lặn, thả trôi mình giữa dòng nắng đằm ấm của mùa hạ.
Nằm dài ra trảng cỏ, nhắm mắt lại mà tận hưởng sự vỗ về của mẹ thiên nhiên. Người mẹ đang mừng con về sau một chuyến đi dài. Thoải mái, nhẹ nhàng như con cua được lột vỏ, cởi ra lớp áo giáp nặng nề và quên đi mọi cảnh giác với thế giới bên ngoài. Và lắng nghe, không gian yên lặng đến nỗi ta có thể phân biệt từng tiếng chim, trong trẻo mà du dương. Rồi tiếng từng cơn gió đong đưa dưới tán thông già.
•Trở về
Đến cuối ngày, tôi lại trở về. Ra khỏi rừng, là về xã hội, mặc vào lớp vỏ nặng nề, che đi phần mềm yếu. Trên đường, tôi nhặt nhạnh những trái thông dưới đất. Mấy trái thông già đã rơi hết hạt và bung ra, như tòa kiến trúc cao tầng hình bầu dục, tầng giữa rộng nhất và hẹp dần ở hai đầu. Những trái thông đã hoàn thành trách nhiệm với khu rừng, với mẹ thiên nhiên.
Nhặt nhiều, chỉ xin về trái ưng ý nhất, xem như xin về tình cảm với cả khu rừng. Hết thảy đều gói gọn vào đấy. Về nhà, mỗi lần mang ra ngắm thì nhớ được cảm giác nhẹ nhàng, thư thả nơi trảng cỏ, như cả bể nắng, tiếng chim, tiếng của rừng thông đều gói gọn vào trái thông.
Quý đến vậy, nhưng mang ra khoe bạn bè ắt bị chê là thường; đem ra chợ bán thì đâu ai mua. Vì sự quý trọng với rừng thông ngày nắng, chỉ có mình là hiểu cho mình.
Ấy là thứ nghệ thuật cá nhân, dùng để khuây khỏa tinh thần, chứ nào là cho cộng đồng.
Kết
Việc đời nhiều kẻ đua tranh,
Mình ta đứng đấy thanh thanh một mình.
Nhiều kẻ say rượu say tình,
Ta đây chỉ thích say mình với trăng.
Vậy ta thấy, nghệ thuật chính là cách điều khiển cảm xúc của bản thân, thả trôi mình theo dòng nghệ thuật. Như thế, ta tạm quên được những khó khăn, vất vả thường ngày, khuây khỏa những nỗi niềm riêng biệt. Sánh kĩ, thưởng thức nghệ thuật đâu khác gì uống rượu tiêu sầu? Cũng say, say theo từng ánh trăng, say cho quên sự phiền não của đời.
Phù Trần.