Dương Vân Nga, bà hoàng của triều đại nhà Đinh và Tiền Lê. Hoàng hậu của Hoàng đế Đinh Tiên Hoàng, là Thái hậu dưới thời Phế Đế Đinh Tuệ. Đồng thời, cũng là người khoác lên vai Lê Hoàn chiếc long bào, lập ra triều Tiền Lê. Bà xuất hiện nhiều trong văn hóa đại chúng, được nhiều người biết đến.
Nhưng, bạn có nghĩ đã biết đủ về Dương Vân Nga chưa? Bà là người ở đâu? Tại sao Đinh Bộ Lĩnh lại lấy bà? Phải chăng bà có dòng dõi với Dương Đình Nghệ? Cuộc đời bà vẫn còn nhiều điều bí ẩn. Và điều gây tranh cãi nhất là việc “tư thông” với Lê Hoàn. Để giữ yên bờ cõi hay mãi đạo thờ chồng? Là đúng hay sai? Hãy cùng NATuts bàn luận đôi chút về bà.
1. Hình tượng Dương Vân Nga trong sử cũ:
-
Theo Bắc Kì tạp lục của Variétés Tonkinoises:
“Lê Hoàn, tướng quân chỉ huy quân đội An Nam và là người được thái hậu ân sủng, cuối cùng đã thế chỗ vị vua nhỏ tuổi Phế Đế và lập ra một triều đại mới”.
-
Theo Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim:
Sau khi Đinh Tiên Hoàng băng hà, “tôn Vệ Vương Đinh Tuệ lên làm vua.”
“Vệ Vương mới có 6 tuổi lên làm vua, quyền chính ở cả Thập đạo Tướng quân là Lê Hoàn. Lê Hoàn lại cùng với Dương Vân Nga tư thông“.
-
Theo Đại Nam quốc sử diễn ca của Lê Ngô Cát và Đặng Huy Trứ (có nguồn ghi là Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái hoặc Hoàng Đình Hân):
Hồi 9, mục 4: Nhà Đinh mất ngôi
“Chơi bời gần lũ tiểu nhân,
Rượu hoa giọng ngọt, đền xuân mê lòng.
Trùng môn thưa hở đề phòng,
Để cho Đỗ Thích gian hùng nỡ tay.
Nối sau Thiếu Đế thơ ngây,
Lê Hoàn tiếp chánh từ rày dọc ngang
Tiếm xưng là phó quốc vương,
Ra vào cùng ả họ Dương chung tình.
Bặc, Điền vì nước liều mình,
Trách sao Cự Lượng tán thành mưu gian.”
Họ Dương: tức Thái hậu Dương Vân Nga, Thái hậu, vợ vua Đinh Tiên Hoàng, húy là Dương Vân Nga, không rõ năm sinh, năm mất. Có sách chép là Dương Thị Lập.
Khi vua Đinh mất (năm Kỉ Mão 979), con là Đinh Tuệ được tôn lên nối ngôi, bà nghiễm nhiên là Thái hậu, nhiếp chính.
Bà vốn là mẹ sứ quân Ngô Nhật Khánh. Đinh Tiên Hoàng dẹp xong Nhật Khánh, lấy bà làm vợ, sau đó đưa người con gái riêng của bà (tức em Ngô Nhật Khánh) làm vợ Đinh Liễn.
Khi nghe tin Tiên Hoàng đã mất, tự quân còn nhỏ, nhà Tống muốn thừa cơ sang chiếm nước ta. Lúc quân Tống sang chiếm nước ta, bà đồng lòng với Phạm Cự Lượng phế truất Đinh Tuệ, suy tôn Lê Hoàn lên ngôi vua. Từ đó nước ta có triều đại Tiền Lê.
Tiểu luận:
Ta thấy các sử gia gần như đã thành lập một thói quen khi viết sử. Họ chỉ viết lịch sử thông qua các nhân vật là nam giới, các vị vua, tướng, anh hùng. Thế nên, Dương Vân Nga, một nhân vật nữ, bị ngó lơ. Rất ít thông tin về bà trong sách sử cũ, nếu có, luôn gắn liền với chữ “tư thông”.
Song, họ lại không nêu rõ hoàn cảnh tại sao Dương Vân Nga lựa chọn Lê Hoàn lên ngôi, mẹ góa, con côi, thù trong, giặc ngoài. Khi ấy, để bảo vệ con, bảo vệ bản thân, cách duy nhất là tìm một người che chở. Mà khi ấy, chỉ có Lê Hoàn đủ tài thao lược, nắm lòng dân, vững được quân tâm. Một nước cờ chính trị của một nữ chính trị gia, đầy quyết đoán và khôn khéo.
Đối với Bắc Kì tạp lục và Việt Nam sử lược, tác giả chỉ nói Dương Vân Nga tư thông, nhưng không nói rõ về bà. Xét nghĩ do thiếu tài liệu nghiên cứu, phần không chú trọng.
Về Đại Nam quốc sử diễn ca, tác giả nói rõ hơn về Dương Vân Nga. Cái nhìn của ông cũng đã có phần chi tiết hơn về cuộc đời bà. Song, cái nhìn hà khắc vẫn còn tồn tại:
“Ra vào cũng ả họ Dương chung tình”
Theo tư liệu của Đại Nam quốc sử diễn ca cung cấp, Dương Vân Nga là mẹ của sứ quân Ngô Nhật Khánh. Đinh Bộ Lĩnh lấy bà làm vợ sau khi dẹp xong Nhật Khánh. Vậy ta mới biết, Dương Vân Nga không phải chỉ hai chồng như người đời thường kể, bà có tận ba người chồng.
2. Thái hậu Dương Vân Nga theo sử mới:
Vấn đề này Wikipedia đã viết rất rõ và chi tiết. Chúng tôi xin không múa rìu quá mắt thợ. Nếu bạn muốn hãy đọc tại đây.
3. Hình ảnh trong văn hóa đại chúng:
Nhiều tuồng cải lương về Dương Vân Nga đã được sáng tác và biểu diễn mới nhiều nghệ sĩ tên tuổi: NSUT Thanh Nga, NSND Bạch Tuyết, NSND Ngọc Giàu,… Trong các tuồng, Thái hậu Dương Vân Nga, Hoàng hậu hai vua,…
Thật may, góc nhìn hà khắc của sử cũ về Dương Thái hậu không ảnh hưởng đến việc khắc họa hình tượng của bà. Trong các tuồng cải lương, bà là một người cầm quyền đề cao chữ Nhân, sẵn sàng hi sinh ngai báu để cứu lấy giang san: “Một quốc gia nào phải của một họ nhà, mà là của chung trăm họ”.
Trong đấy, hình tượng một bà hoàng xuất thân dân thường được thể hiện rõ. Dễ nổi giận, thất thố giữa triều đình khi hay tin nhà Tống bắt nộp long bào, ngọc ấn:
“Láo! Hãy nói với chúng rằng:
Đất này có chủ, nước này có vua
Thần dân có xã tắc để cung phò
Xã tắc có thần dân sông lướt để quyện thành khí thiêng sông núi
Từ lâu rồi, Việt, Tống biên thùy đà chia cõi
Cũng từng dãy núi, con suối dòng sông,
Đứng làm ranh vùng đất của vua Hùng
Còn vang mãi tiếng trống đồng dựng nước
Đất hẹp, người thưa nhưng không là tiểu nhược
Há nghiêm tai đứng vọng điệu đại cường”
Kết:
Nghe một tích nhỏ về việc lập tượng thờ Thái Hậu Dương Vân Nga:
Khi dựng xong tượng thờ, người dân đặt tượng nằm sấp xuống đất, dùng roi đánh vào thân tượng 2 cái rồi mới đưa vào điện. Đánh vì cái tội hai chồng.
Xét thấy việc ấy đúng mà cũng không. Nếu dựa theo quan niệm phong kiến, Nho gia, việc hai chồng đối với một người phụ nữ bình thường là một tội lớn, huồng chi đối với một bà hoàng. Nhưng nếu xét theo góc nhìn ngày nay, việc Hoàng hậu có hai vua hẳn thông cảm được. Bà tái giá với Lê Hoàn có thể đôi phần vì tình riêng, nhưng cũng phần nhiều hơn vì nước non, vì xã tắc sơn hà.
Phù Trần