Cái tên Việt Nam ta vô cùng phong phú và đa dạng. Song, ông bà ta thuở xưa lại thường lót chữ Văn cho nam, chữ Thị cho nữ. Nguyên nhân nào cho việc này? Do phong tục xa xưa? Hay do ảnh hưởng của văn hóa? Do tôn giáo chăng?
NATuts sẽ ở đây để giúp bạn giải thích băn khoăn này.
Các tài liệu tham khảo được lấy từ Đại Nam Quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của. Từ điển được viết năm 1895, thuở tiếng việt hẵng còn hoang sơ, chưa mang quá nhiều dáng vẻ Tây phương. Sở dĩ chọn quyển này, vì được viết bởi học giả lớn Huỳnh Tịnh Của, một nhà nghiên cứu lỗi lạc về văn hóa và ngôn ngữ Việt. Đồng thời, cũng chọn quyển có tuổi đời dài nhất, để gần với hoàn cảnh lựa chọn chữ Văn và Thị làm chữ lót.
1. Chữ Văn lót trong tên của nam:
Theo từ điển Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của:
Văn: nghe.
- ___ danh: Nghe tiếng :
- Quảng kiến___: Rộng thấy nghe, làm cho rộng đàng hiểu biết.
- Đa___ quảng kiến: Nhiều nghe, rộng thấy, từng trải, thông hiểu nhiều việc.
- Mục đồ nhỉ ___: Mắt thấy tai nghe, việc rõ ràng
Xét theo các tầng nghĩa, ta hiểu trại: Chữ Văn ở đây được dùng với nghĩa tốt là “người thông hiểu, học rộng biết nhiều, là người có học”.
*Lưu ý: đừng nhầm Văn ở đây với Văn trong ngôn ngữ hiện đại, vì chúng mang 2 nghĩa không giống nhau. Văn trong ngôn ngữ hiện đại nghĩa là Văn học, làm văn, văn hóa,… ấy khác hoàn toàn.
Xét thấy cũng rõ, Việt Nam ta nghìn năm văn vở, muốn cho con cái là người học rộng hiểu nhiều nên đặt trong cái tên xưa một chữ Văn. Ý mong cho con mình lớn lên đạt được bốn chữ Đa văn quảng kiến.
2. Chữ Thị lót trong tên của nữ:
Chữ Thị trong tên nữ phức tạp hơn, vì ta có tới 9 tầng nghĩa. Chỉ có thể phỏng đoán sao cho phù hợp nhất, nên từ 9 nghĩa, lại lược cho còn 4 nghĩa. Hòng tránh việc dài dòng văn tự.
Theo Đại Nam quốc âm thi tập của Huỳnh Tịnh Của:
1. Thị: cậy nhờ:
Thị: cậy nhờ
- Tự___: cậy mình, ỷ mình
- Ỷ___: ỷ thân, ỷ thế
- Hữu___ thị vô khủng: có chỗ nương cậy, thì không lo sợ
Trong 9 tầng nghĩa, xét nghĩa này là phù hợp nhất. Ngày xưa còn giữ quan điểm trọng nam khinh nữ. Ý của chữ này là người phụ nữ dựa vào phu quân mình, như cành liễu dựa bóng tùng quân. Chữ thị này được dùng trong tên Việt Nam xưa xét thấy phải lắm.
2. Thị: xem, thấy
Thị: xem, thấy
- Giám___: xem xét, đốc áp
- ___ sự: chứng sự về việc gì đó, chứng về việc xử đoán
- ___thiền: làm chứng, nhận thật
- Thập mục sở___: chỗ mười con mắt ngó thấy; trước mặt thiên hạ
Lại xét ý tứ của tiền nhân, nếu chữ Thị này được dùng trong tên Việt Nam, có nghĩa mong người phụ nữ luôn noi theo người đàn ông mà làm. Xét kỹ về nghĩa, chữ này là Nhìn, chứ chưa Làm theo. Thành ra không hợp lắm về nghĩa, tôi xem không phải.
3. Thị: họ, dòng họ:
Thị: họ, dòng họ
- Tánh___: họ, dòng họ
- Danh___: tên họ
- Lê___: Nhà học Lê
Nếu xét chữ này làm nghĩa, hẳn do bắt nguồn từ chế độ thị tộc. Nhiều người cắt nghĩa, do các ông thời xưa sợ vợ, nên các bà mang chữ thị là Thị tộc mẫu hệ. Ý chỉ người phụ nữ đứng đầu trong gia đình. Tôi thấy như vậy hơi ngang, vì ngày xưa với quan niệm phong kiển, hủ nho, trọng nam khinh nữ, hiếm lắm trường hợp đưa người nữ lên trước.
4. Thị: Hàm ân:
Thị: hàm ân ( coi như Thụy)
Chữ này chỉ duy nhất một nghĩa, là nói trại của chữ Thụy.
Nếu xét chữ này là nghĩa, tôi thấy ổn lắm. Vì người phụ nữ có chữ này trong tên,là người mang hàm ân của đức vua, cũng là một nghĩa tốt.
Kết:
Ngày nay, dẫu Thị là gì cũng chỉ là một chữ lót, không nên đặt nặng nghĩa, vì sẽ gây ra việc trọng nam khinh nữ. Cũng không cần phải tránh khi đặt tên, vì tốt xấu đây cũng là truyền thống do tiền nhân để lại, càng cần tự hào khi có chữ lót là Thị, vì đây là biểu trưng cho người phụ nữ Việt Nam.
Xin lưu ý, bài viết dưới đây chỉ có tính chất tham khảo. Dựa trên suy luận của người viết
Phù Trần